sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Lực mua tích cực gia tăng ở các mặt hàng ngô, đậu tương và cà phê

21/04/2022

Kết thúc phiên giao dịch 20/04, sắc xanh đỏ chia làm hai nửa trên bảng giá 31 loại hàng hóa đang liên thông trực tiếp với thế giới tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam. Sự phân hóa mạnh giữa các mặt hàng khiến cho chỉ số MXV-Index đóng cửa với mức giảm không đáng kể, xuống còn 3.037,94 điểm.

Trước diễn biến có phần giằng co, dòng tiền đã không còn chảy mạnh vào thị trường như 2 phiên đầu tuần. Giá trị giao dịch toàn Sở giảm khoảng 10% trong ngày hôm qua về gần 4.800 tỉ đồng nhưng vẫn ghi nhận sự gia tăng ở 2 nhóm nông sản và nguyên liệu công nghiệp.

Ngô và nhóm đậu tương tăng nhẹ, ngược chiều các mặt hàng nông sản

Diễn biến của tổ hợp đậu tương là yếu tố chính kéo theo mức tăng của nhóm nông sản trong phiên hôm qua. Mặc dù lực bán lại có phần chiếm ưu thế hơn đối với đậu tương trong phiên sáng sau khi Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, diện tích gieo trồng đậu tương trong năm 2022 dự kiến sẽ tăng 16,7% so với năm ngoái. Tuy nhiên, giá các mặt hàng đã bất ngờ tăng mạnh trong phiên tối do triển vọng xuất khẩu bị ảnh hưởng ở Argentina, quốc gia sản xuất khô và dầu đậu hàng đầu thế giới.

Liên đoàn Công nghiệp Hàng hải, Cảng và Hải quân Argentina (Fempinra) cho biết, các công nhân tàu của nước này đang có kế hoạch đình công trong 24 giờ vào thứ 5 tuần này (21/04) tại các bến cảng của thành phố Buenos Aires và hành lang xuất khẩu đường sông. Hành động này nhằm phản đối sự chậm trễ của Chính phủ Argentina trong việc trao thầu cảng trong bối cảnh tình trạng lạm phát tại quốc gia này đang ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập và khả năng chi tiêu của người lao động.

Thời gian này sẽ là giai đoạn nhạy cảm, do là khung thời gian thu hoạch cao điểm, nếu như các thành phần lao động khác cũng sẽ tận dụng cơ hội này để đưa ra yêu cầu với chính phủ khiến cho cuộc đình công kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động xuất khẩu. Chính vì thế nên thông tin này đã giúp đẩy mạnh lực mua đối với ngô và nhóm đậu tương.

Bên cạnh đấy, thời tiết khô hạn nhiều khả năng sẽ còn duy trì tại hầu hết các khu vực gieo trồng ngô vụ 2, đặc biệt là ở miền trung Brazil. Thông tin này đã làm lu mờ các số liệu có phần tiêu cực trong báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), khi mà sản lượng ethanol tuần vừa rồi tiếp tục giảm mạnh tuần thứ 3 liên tiếp về mức 947.000 thùng/ngày.

Trái chiều với nhóm nông sản, lúa mì bất ngờ chịu áp lực bán lớn, bất chấp việc nguồn cung lúa mì ở Biển Đen vẫn bị hạn chế trong dài hạn. Mới đây, Bộ Nông nghiệp Ai Cập thông báo đã chấp nhận lúa mì có nguồn gốc từ Ấn Độ, nhưng kèm theo đó là những điều khoản liên quan tới chất lượng. Với việc thu hoạch được nhiều vụ mùa kỷ lục liên tiếp, tồn kho lúa mì của Ấn Độ hiện đang ở mức rất cao.

Nhóm nguyên liệu công nghiệp phân hóa rõ rệt

Tương tự như nhóm nông sản, các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp cũng có sự phân hoá rõ rệt. Áp lực bán mạnh của các quỹ đầu tư đã khiến cho giá cà phê Arabica giảm về mức thấp nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Hiện tại, việc tồn kho cà phê tại các cảng của Mỹ, quốc gia tiêu thụ đồ uống lớn nhất trên thế giới, tăng trở lại sau 6 tháng đã khiến cho mặt hàng Arabica mất đi động lực hỗ trợ đến từ nguồn cung trong ngắn hạn. Trong khi đó, lực hồi kỹ thuật đã giúp giá Robusta đóng cửa trong sắc xanh bất chấp diễn biến giằng co trong phiên.

Giá đường 11 đóng cửa giảm 0,6% về mức 19,6 cents/pound, giá đường trắng giảm 0,2% về mức 537 USD/tấn. Thị trường đang có cái nhìn tích cực về hoạt động xuất khẩu đường của Ấn Độ với số lượng đơn hàng ngày càng lớn. Tuy nhiên, diện tích gieo trồng mía đường của Brazil đã giảm 300 nghìn héc-ta, gây ra lo ngại về nguồn cung trong dài hạn và hạn chế áp lực bán.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)