sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Mỹ áp thuế cao, xuất khẩu cà phê có đáng lo?

10/04/2025

Ngày 2/4, thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu thực sự đã chao đảo sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế tối thiểu 10% lên tất cả hàng nhập khẩu. Đối với Việt Nam - quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai và có thặng dư thương mại đáng chú ý với Mỹ bị áp mức thuế lên tới 46%. Ngay lập tức, thị trường cà phê đã phản ứng mạnh mẽ. Trong hai phiên giao dịch ngày 4/4 và 7/4, giá cà phê Arabica đã đánh mất hơn 12% trong khi Robusta chạm mức thấp nhất trong vòng hai tháng rưỡi, giảm 11,3%. Đây là mức giảm sốc chưa từng xảy ra trong nhiều năm trở lại đây...

Vậy quyết định áp thuế này của Mỹ sẽ ảnh hưởng như thế nào tới Mỹ và các quốc gia sản xuất cà phê lớn trên thế giới, trong đó có Việt Nam?

Nâng hàng rào thuế quan, giá cà phê tại Mỹ có thể tăng 50% hoặc hơn thế

Cho tới nay, Mỹ vẫn là nước nhập khẩu và tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới. Brazil là nhà cung cấp cà phê lớn nhất cho thị trường Mỹ bên cạnh nguồn nhập khẩu đáng kể từ Colombia, các nước Trung Mỹ, Nam Mỹ và từ một số quốc gia tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Diễn biến giá cà phê Robusta và Arabica từ đầu năm 2025

Tuy nhiên, đầu tháng 4, Mỹ đã công bố áp mức thuế 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam - nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới và là quốc gia cung cấp hàng đầu cà phê Robusta cho nước này, cũng như mức thuế 32% đối với hàng nhập khẩu từ Indonesia - nước sản xuất lớn thứ tư. Các nước sản xuất cà phê ở Trung và Nam Mỹ, như Brazil và Colombia, bị áp mức thuế 10%.

Theo Hiệp hội Cà phê Quốc gia Mỹ (NCA), ngành công nghiệp cà phê đang đóng góp khoảng 343 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế Mỹ, với khoảng 75% người dân Mỹ uống cà phê thường xuyên. Và trong nhiều thập kỷ qua, cà phê đã vào Mỹ mà không phải chịu thuế do ngành công nghiệp nước này phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu. Không giống như nhôm, thép hoặc ô tô, cà phê là mặt hàng Mỹ không thể tự sản xuất trong nước. Do đó, việc Mỹ áp thuế lên tất cả các nước cung cấp sẽ khiến cho giá cà phê tại Mỹ tăng ít nhất 50% hoặc cao hơn thế. 

Trước đó, lo ngại về khả năng áp thuế lên cà phê từ các nguồn rang xay trung chuyển Nam Mỹ cũng đã khiến cho giá cà phê thế giới tăng kỷ lục, với mức giá bán buôn vượt 4 USD/pound. Như vậy, mức thuế mới mà chính quyền Tổng thống Trump áp dụng có thể đẩy các nhà sản xuất cà phê Mỹ vốn phải đối mặt với giá bán buôn Arabica tăng chóng mặt do nguồn cung tại Brazil và Colombia khan hiếm sẽ phải gánh thêm gấp đôi giá.

Xét trên bình diện lớn hơn, căng thẳng thương mại còn đem đến nguy cơ làm phân mảnh chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu, buộc các nhà xuất khẩu ở các nước cung cấp phải xem xét lại sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. 

Hướng đi cho cà phê của Việt Nam trong bối cảnh thuế quan mới

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), hai tuần trở lại đây, giá cà phê thế giới và giá cà phê trong nước đã phản ứng rất mạnh với chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Tuy nhiên, yếu tố này chỉ tác động trong ngắn hạn, thị trường sẽ sớm chịu sự chi phối bởi yếu tố cung cầu trong thời gian tới bởi theo ước tính sản lượng cà phê toàn cầu khả năng cao sẽ thiếu hụt trong năm thứ 4 liên tiếp do nguồn cung khan hiếm tại hai quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới là Brazil và Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, quý I, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam (sau EU), chiếm 6,5% về khối lượng và 6,4% về giá trị xuất khẩu. Mặc dù không phải là thị trường lớn nhất nhưng lại là thị trường trọng điểm xuất khẩu sản phẩm cà phê đặc sản phân khúc cao cấp, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng và cà phê hòa tan. Cho nên, nếu Mỹ không thay đổi mức thuế suất áp với Việt Nam, thì cà phê Việt Nam sẽ gần như không thể đặt chân vào Mỹ do giá quá cao, không thể cạnh tranh được với giá cà phê Brazil và Colombia. 

Xuất khẩu cà phê Việt Nam theo quốc gia Quý I (Nguồn: MXV)

Tuy nhiên, đòn thuế quan của Mỹ cũng khiến cho việc đa dạng quan hệ chính trị và kinh tế thương mại trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhiều đối tác thương mại của Mỹ đang ra sức tìm mối quan hệ thương mại thay thế, trong đó EU đang tìm cách mở ra các cơ hội hợp tác tại châu Á, Trung Đông... Điều này cho phép cà phê Việt Nam có thể chuyển hướng sang các thị trường khác như: châu Âu, Nhật Bản, Philippines, Thái Lan... với giá bán không kém, thậm chí còn cao hơn xuất khẩu sang Mỹ.

Cà phê cho tới nay vẫn được coi là một trong những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại nhiều quốc gia. Thậm chí tại không ít quốc gia đã hình thành nên văn hóa cà phê bên cạnh các văn hóa ẩm thực khác. Thực tế đã chứng minh, thế giới đã từng trải qua Covid-19 nhưng nhu cầu tiêu thụ cà phê không hề giảm. Do đó, xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam vẫn có hướng đi riêng, phân khúc riêng dù kịch bản xấu nhất là đánh mất thị phần Mỹ. 

Thêm vào đó, hãng StoneX mới đây đã điều chỉnh giảm dự báo sản lượng cà phê của Brazil cho niên vụ 2025–2026, thu hoạch từ tháng 7 tới, xuống còn 3,87 triệu tấn, giảm 1,67% so với dự báo trước đó và giảm 2,06% so với sản lượng vụ trước. Trong đó, sản lượng Arabica ước đạt 2,32 triệu tấn, giảm 13,4% so với vụ trước và Robusta Brazil (Conilon) lên 1,55 triệu tấn, tăng gần 22% so với vụ trước. Với tình hình nguồn cung thế giới sẽ còn thắt chặt thì chắc chắn sẽ còn nhiều “khoảng trống” cho Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới.

Hoàng Tú