sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Ngô và đậu tương có thể tiếp tục đà tăng trong khi lúa mỳ điều chỉnh trong tuần

18/01/2021

Đóng cửa tuần trước, giá phần lớn các mặt hàng nông sản đều tiếp tục xu hướng tăng mạnh và bền vững trong thời gian dài. Tuy vậy, xu hướng này có thể sẽ không tiếp tục trong tuần này với tất cả các mặt hàng.

Yếu tố hỗ trợ chủ yếu của nhóm nông sản trong tuần vừa rồi là sự thu hẹp của nguồn cung ngũ cốc thế giới, cụ thể là tồn kho ngũ cốc niên vụ 2020/21 của Mỹ thông qua số liệu dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong báo cáo Cung cầu ngũ cốc WASDE tháng 1.

Ngoài yếu tố tồn kho, nhóm đậu tương và ngô tiếp tục được hỗ trợ bởi thời tiết khô hạn đang quay trở lại tại Argentina và có thể sẽ kéo dài cho đến hết tuần này. Thời tiết khô hạn ảnh hưởng tới tiến độ mùa vụ và chất lượng cây trông của ngô và đậu tương tại hai quốc gia Nam Mỹ là động lực hỗ trợ chính cho đà tăng của giá hai mặt hàng này trong những tháng cuối năm 2020. Vì vậy, việc thời tiết khô hạn trở lại dự kiến sẽ tiếp tục là yếu tố giúp giá đậu tương và ngô duy trì được đà tăng.

Lực mua của Trung Quốc cũng là một yếu tố có thể tạo ra lực hỗ trợ bất ngờ trong tuần, khi mà nước này đang nỗ lực xây dựng lại đàn lợn cũng như nhu cầu mua tích trữ trước kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán dài sắp tới.

Về mặt kỹ thuật, xu hướng tăng của giá đậu tương trong thời gian qua là gần như không thể cản phá và hiện tại chưa thấy rõ một mức kháng cự kỹ thuật đáng kể nào, ngoài các mức giá tròn mang tính tâm lý. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, có thể thấy vùng giá 1435 đã hai lần cản được đà tăng của giá đậu tương trong tuần trước và ép giá giảm nhẹ. Với những yếu tố hỗ trợ hiện tại, giá đậu tương có thể kiểm tra nhanh đường hỗ trợ của xu hướng hiện tại trong phiên ngày mai trước khi quay trở lại đà tăng trong phần còn lại của tuần.

Giá khô đậu tương có diễn biến tương tự với giá đậu tương. Tuy nhiên, trong những phiên cuối tuần trước, giá đã hình thành một mô hình cờ đuôi nheo điển hình, dự báo một biến động lớn có thể sắp xảy ra. Dựa trên xu hướng của giá đậu tương, có thể nhận định giá khô đậu sẽ sớm trở lại mức đỉnh gần nhất ở mức giá 470.

Xu hướng giá dầu đậu tương lại phức tạp hơn khi chịu ảnh hưởng chung từ thị trường đậu tương và dầu cọ. Áp lực từ thị trường dầu cọ đã đẩy giá dầu đậu tương suy giảm trong tuần vừa rồi và có thể còn tiếp tục giảm trong tuần này. Giá đã hai lần bị mây Ichi từ chối cùng với việc đường Kijun giao cắt với đường Tenkan và đi dưới đường này cho thấy xu hướng của giá dầu đậu đã trở thành xu hướng giảm. Dù vậy, trong giai đoạn này, xu hướng của giá dầu đậu tương vẫn còn khá nhiều bất ổn và có khả năng giá sẽ đi ngang nhiều hơn là giảm mạnh.

Giá ngô trong khi đó, tiếp tục duy trì bên trên ngưỡng hỗ trợ tại mức giá 527. Thông tin Nga dự định sẽ áp thuế xuất khẩu 25 Euro/tấn lên ngô xuất khẩu của nước này đã cân bằng được áp lực bán chốt lời của nhà đầu tư trên thị trường. Việc áp thuế xuất khẩu dự kiến sẽ còn tiếp tục hỗ trợ giá trong tuần này. Giá ngô xuất khẩu của Ukraine, nước xuất khẩu ngô lớn thứ 4 trên thế giới tiếp tục tăng lên mức cao nhất 7 năm, thể hiện xu hướng chung của giá ngô thế giới.

Quyết định của Nga có ảnh hưởng lớn hơn tới giá lúa mỳ khi nước này là một trong những nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới. Nga dự định sẽ áp thuế 45 Euro/tấn lên lúa mỳ xuất khẩu để hạn chế lượng lúa mỳ xuất khẩu và ổn định giá lương thực trong nước. Giá lúa mỳ CBOT hiện đang di chuyển theo xu hướng tăng khá ổn định. Tuy nhiên, với việc không thể phá vỡ mức kháng cự trên của kênh cùng sự xuất hiện của cây nến “inverted hammer” dự báo giá có thể sẽ giảm trở lại để kiểm tra mức hỗ trợ dưới của kênh giá ở vùng giá 660.