Tin tức
Nhu cầu nhập khẩu ngô Mỹ được kì vọng gia tăng sẽ là yếu tố hỗ trợ ngắn hạn đối với giá
Giá ngô mở cửa phiên giao dịch sáng nay chỉ đang giằng co quanh mức tham chiếu. Kể từ sau báo cáo Cung – cầu tháng 12, giá vẫn chưa hình thành xu hướng rõ ràng mà chỉ biến động theo cả 2 chiều trong phiên và đóng cửa với mức giá gần với giá mở cửa.
Triển vọng nguồn cung ở Nam Mỹ nhìn chung vẫn đang trung lập khi ảnh hưởng của khô hạn lên Argentina khá nghiêm trọng nhưng ngược lại, mùa vụ ngô thứ 2 đang được gieo trồng ở Brazil lại diễn ra khá thuận lợi. Yếu tố quan trọng nhất định hướng giá trong vài tháng tới sẽ là triển vọng và tác động từ thời tiết lên mùa vụ của 2 quốc giá này. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nhu cầu tiêu thụ ngô tại Mỹ có thể sẽ ảnh hưởng nhiều hơn tới diễn biến giá ngô trong phiên.
Trong báo cáo của EIA tối qua, sản lượng ethanol của Mỹ mặc dù giảm nhẹ xuống mức 1.061 triệu thùng/ngày nhưng vẫn đang ở mức cao so với trung bình trong vài tháng qua. Đây cũng là dấu hiệu tích cực về nhu cầu ngô của Mỹ và nếu xu hướng này tiếp tục duy trì thì khả năng USDA sẽ phải điều chỉnh mức tiêu thụ trong ngành công nghiệp này ở báo cáo tháng sau.
Ngoài ra, tối nay, nhu cầu nhập khẩu cũng sẽ là yếu tố đáng chú ý với số liệu bán hàng tuần vừa rồi được phát hành trong báo cáo Export Sales. Thị trường đang kì vọng rằng con số này có thể sẽ cao hơn so với mức 690,000 tấn trong tuần trước. Hoạt động kinh tế của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng nhờ việc Chính phủ nới lỏng kiểm soát dịch vào đầu tháng 12 có thể sẽ giúp số liệu xuất khẩu của Mỹ tăng lên. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, đây chỉ là yếu tố giúp hạn chế việc giá quay trở lại đà giảm mạnh như trong tháng 11 và tác động “bullish” sẽ không kéo dài. Nguồn cung giá rẻ từ Brazil khi các chuyến hàng từ nước này sang Trung Quốc bắt đầu khá thuận lợi cùng với lượng hàng giá thấp nhất thị trường từ Ukraine đang được bán ra thị trường quốc tế vẫn sẽ tạo áp lực cạnh tranh với nguồn cung từ Mỹ.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)