Tin tức
Tại sao giá cà phê thế giới vẫn duy trì ở mức cao bất chấp lo ngại về suy thoái kinh tế
Ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá hầu hết các loại hàng hóa tăng đột biến từ cuối tháng 2 đến nay, kéo theo đó là mức lạm phát cao ở nhiều quốc gia. Mặc dù vậy, giá cà phê vẫn duy trì ở mức cao bất chấp việc nhu cầu tiêu thụ thường sụt giảm mỗi khi thị trường lo ngại về suy thoái kinh tế.
Giá cà phê Arabica vẫn duy trì mức tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết thúc tháng 08, giá cà phê Arabica trên Sở ICE US đóng cửa ở mức 5.270 USD/tấn, tăng mạnh 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá cà phê Robusta trên Sở ICE EU cũng tăng 11,7% lên mức 2.247 USD/tấn.
Trái với xu hướng chung của phần lớn thị trường hàng hóa mà dẫn đầu là dầu thô, giá cà phê đã thiết lập mức đỉnh 10 năm ngay từ thời điểm trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine khi nhu cầu được kỳ vọng sẽ cải thiện khi các nước phương Tây bước ra khỏi “đám mây u ám” Covid-19. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng ở Biển Đen đã ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ tại Nga, quốc gia nhập khẩu cà phê lớn thứ 6 thế giới, và gây sức ép lên giá.
Có thời điểm giá cà phê Arabica đã giảm đến hơn 10% so với hồi cuối năm ngoái, trước khi bật tăng mạnh trở lại từ giữa tháng 07 đến nay. Đáng chú ý là mức tăng 13% chỉ sau 1 tuần trong giai đoạn nửa cuối tháng 08.
Trong cùng giai đoạn phục hồi trên của giá cà phê, chỉ số Dollar Index vẫn duy trì vùng đỉnh 20 năm và cũng đạt mức tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ sự hỗ trợ từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng mạnh lãi suất, nhằm hạ nhiệt lạm phát. Thông thường, việc đồng Dollar mạnh lên là yếu tố tác động tiêu cực đến giá cà phê, nhưng trước các lo ngại về nguồn cung sụt giảm ở các vùng sản xuất chính, cà phê vẫn là mặt hàng có diễn biến tích cực nhất trong 2 tháng trở lại đây.
Sản lượng cà phê ở Brazil không đạt mức kỳ vọng trong khi tồn kho đạt chuẩn thấp kỷ lục
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê năm nay của Brazil đạt mức 64,3 triệu bao, tăng 10% so với niên vụ trước. Tuy nhiên, đây là năm được mùa trong chu kỳ 2 năm của cây cà phê, nên nếu so sánh với cùng các năm được mùa khác trong 5 năm trở lại đây, thì con số này đang thấp hơn gần 3 triệu bao.
Trên thực tế, thời tiết khô trong suốt giai đoạn tháng 6-7 do ảnh hưởng từ hiện tượng La Nina năm thứ 3 liên tiếp, cùng với hệ quả kéo dài từ những đợt sương giá hồi cuối năm ngoái đã khiến mức sản lượng cuối cùng còn thấp hơn dự đoán. Hãng tư vấn Safras & Mercado ước tính sản lượng cà phê Brazil năm nay sẽ chưa đến 61,1 triệu bao.
Bên cạnh đó, theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), trong một năm trở lại đây mức tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE US ghi nhận mức giảm mạnh. Trong những ngày đầu tháng 9, lượng tồn kho đã giảm hơn 3 lần từ mức 1,9 triệu bao (loại 60kg) xuống còn hơn 630.000 bao. Đặc biệt, trong tháng 8, có thời điểm tồn kho đã giảm về mức 577.580 bao, thấp kỳ lục trong vòng 23 năm qua.
Tồn kho đạt chuẩn của Robusta trên Sở ICE UK cũng ghi nhận sự suy yếu, tuy đà giảm không mạnh như Arabica. Dù vậy, mức tồn kho của mặt hàng này cũng đã giảm xuống dưới mức 100.000 bao, gây ra lo ngại về nguồn cung trong ngắn hạn khi mà Việt Nam, quốc gia xuất khẩu Robusta số 1 thế giới, chưa bước vào thu hoạch.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam có tháng giảm thứ 5 liên tiếp, nhưng mức lũy kế vẫn tăng so với năm ngoái
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 8 tiếp tục giảm 1,2% so với tháng 7 xuống gần 112.500 tấn. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu lũy kế từ đầu năm đã đạt 1,49 triệu tấn, tăng mạnh hơn 15% so với cùng kỳ.
Ngoài yếu tố cung-cầu, hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) cũng đóng góp không nhỏ giúp ngành cà phê Việt Nam gia tăng giá trị và mở rộng thị phần tại EU. Bất chấp lạm phát chạm đỉnh 20 năm, xuất khẩu cà phê sang EU vẫn tăng trưởng tốt. Bởi, cà phê là mặt hàng thiết yếu, thức uống không thể thiếu của các nước phương Tây. Mặt khác, lợi ích thuế quan từ hiệp định EVFTA cũng mang lại động lực lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vào thị trường này. Xét theo kim ngạch, EU đang là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 38%.
Thị trường cà phê toàn cầu đang phải đối mặt với nguy cơ thâm hụt nguồn cung bởi tình hình thời tiết khô hạn tại Brazil gây ảnh hưởng đến sản lượng. Còn tại Colombia, nước này cũng đang chật vật trong việc phục hồi các vườn cà phê sau đợt tàn phá của những cơn mưa lớn.
Trong khi đó, Honduras, Guatemala và Nicaragua đang cạn kiệt nguồn cung từ niên vụ 2021/22. Với Costa Rica, niên vụ cà phê tiếp theo cũng được dự báo sẽ khó khăn. Đồng thời, tình hình hạn hán cũng ảnh hưởng tới sản lượng cà phê robusta của Uganda.
Ngân hàng Citigroup Inc. đã cắt giảm dự báo sản xuất cà phê tại Việt Nam trong năm nay và năm sau do các cuộc khảo sát cây trồng địa phương cho thấy việc mở rộng diện tích cà phê bị ảnh hưởng bởi giá phân bón tăng cao trong năm nay. Nhìn chung, giá các mặt hàng cà phê có thể vẫn duy trì được vùng giá cao từ nay cho đến đầu năm sau.
Trịnh Thảo