Tin tức
Thị trường cà phê kéo dài khoảng đi ngang trước tác động trái chiều của nguồn cung trong ngắn và trung hạn
Kết thúc phiên ngày 25/04, lực bán áp đảo trên bảng giá của thị trường cà phê. Trong đó, hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 7 giảm 2.8% về mức 220.7 USD/tấn, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn thấp hơn 2.4% ở mức 2066 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica hiện vẫn đang giằng co trong khoảng đi ngang từ 210 cents đến 240 cents trước tác động trái chiều nhau của thông tin liên quan đến nguồn cung. Việc sản lượng cà phê Arabica niên vụ 22/23 của Brazil được dự báo thấp thứ 2 trong tổng cộng 9 năm được mùa đã hỗ trợ giá liên tục neo ở mức cao. Ngoài ra, theo Safras&Mercado, các khu vực trồng Arabica chính của Brazil sẽ ít có mưa trong 2 tuần tới, từ đó phần nào củng cố lo ngại về nguồn cung trong trung và dài hạn trong khi tại Colombia, mùa vụ cà phê đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng thời tiết LaNina với những cơn mưa lớn gây ra tình trạng lũ lụt.
Tuy nhiên trong ngắn hạn, giá Arabica đang mất đi yếu tố hỗ trợ đến từ đồng nội tệ Reals của Brazil, từ đó người nông dân có thể đẩy mạnh bán hàng niên vụ 21/22 trong giai đoạn này. Ngoài ra, tồn kho Arabica trên Sở ICE duy trì ổn định đà tăng sẽ khiến yếu tố hỗ trợ cứng của giá mặt hàng này trong giai đoạn vừa qua suy yếu.
Xét về yếu tố kỹ thuật, chỉ số RSI giảm về dưới vùng 50, đà giảm của giá suy yếu sau khi bước vào vùng hỗ trợ tâm lý 220 cents. Trong phiên hôm nay, giá có khả năng test mức kháng cự 225 cents và dao động trong biên độ hẹp.
Đối với mặt hàng Robusta, mặc dù chịu áp lực bán mạnh trong phiên hôm qua, giá vẫn đang đi ngang ở khoảng dưới của dải Bollinger Bands. Do các thông tin về nguồn cung tại Việt Nam và các nước Nam Mỹ đã phần nào phản ánh lên giá, nên diễn biến trên thị trường Robusta sẽ bị chi phối chủ yếu bởi mặt hàng cùng nhóm là Arabica.
Hiện tại giá Robusta vẫn đang được hỗ trợ ở vùng 2050 USD, chỉ số RSI chưa bước vào vùng quá bán. Giá trong phiên hôm nay có thể test lại mức kháng cự 2100 USD.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hà Linh