Tin tức
Thị trường hàng hóa đón nhận lực mua tích cực
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy sắc xanh áp đảo trên thị trường hàng hoá trong ngày giao dịch 25/3. Chỉ số giá toàn bộ bốn nhóm hàng đồng loạt tăng, đặc biệt chỉ số MXV nguyên liệu công nghiệp ghi nhận 4 ngày tăng điểm liên tiếp lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2023. Chốt ngày, chỉ số MXV-Index tăng thêm 1,01% lên 2.236 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở ở mức hơn 6.200 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền đầu tư đến thị trường nông sản tăng mạnh hơn 4% so với hôm qua và chiếm 33% tổng giá trị.
Giá ca cao tạo đỉnh lịch sử mới sau khi tăng gần 8%
Theo MXV, khép lại phiên giao dịch 25/3, bảng giá nhóm nguyên liệu công nghiệp tràn ngập sắc xanh. Nổi bật, giá ca cao tạo đỉnh lịch sử mới khi bật tăng gần 8% trong phiên hôm qua. Thiếu hụt nguồn cung trầm trọng tại các nước sản xuất chính tiếp tục là yếu tố thúc đẩy giá.
Theo Chính phủ Bờ Biển Ngà, tính từ đầu vụ đến ngày 24/3, lượng ca cao vận chuyển đến các cảng tại nước này đã giảm 28% so với cùng kỳ vụ trước, đạt 1,28 triệu tấn. Cùng với đó, sản lượng ca cao 2023/24 của Bờ Biển Ngà ước tính giảm 21,5%, xuống 1,75 triệu tấn.
Theo sau ca cao, giá hai mặt hàng cà phê tăng trở lại lần lượt 1,76% với Robusta và 0,43% với Arabica. Tỷ giá USD/BRL suy yếu đã lấn át tốc độ hồi phục của dữ liệu tồn kho trên Sở ICE-US, từ đó thúc đẩy lực tăng đối với giá Arabica.
Cụ thể, chỉ số Dollar Index giảm 0,19% trong phiên hôm qua đã tạo áp lực lên đồng USD và kéo tỷ giá USD/BRL giảm gần 0,6%. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp đã kìm hãm nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil.
Giá Robusta tăng mạnh khi rủi ro thiếu hụt nguồn cung vẫn rình rập trên thị trường. Những cơn mưa trái mùa được dự báo sẽ quay lại vùng trồng cà phê chính của Việt Nam vào giữa tuần. Dù vậy, điều này vẫn khó xoa dịu tâm lý tiêu cực về triển vọng nguồn cung vụ 24/25 tại quốc gia xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới do thời tiết bất thường.
Giá dầu cọ đảo chiều tăng 0,74% khi thị trường phản ứng với tình hình xuất khẩu tích cực tại Malaysia. Theo Intertek testing Services, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của nước này trong 25 ngày đầu tháng 3 tăng 13,8% so với cùng kỳ tháng trước, đạt 787.534 tấn.
Giá bông hồi phục 0,54% nhờ lực kéo của giá dầu thô trong khung giờ bông đang giao dịch. Giá dầu thô tăng 1,64% trong phiên hôm qua, khiến Polyester, chất thay thế chính của bông đắt hơn. Với vai trò là sản phẩm thay thế, điều này đã thúc đẩy lực mua dịch chuyển sang bông tự nhiên và kéo giá đi lên.
Giá đường 11 tăng 0,46%, bất chấp những tín hiệu khả quan về triển vọng nguồn cung. Hãng tư vấn StoneX dự báo cán cân cung - cầu đường toàn cầu niên vụ 23/24 sẽ thặng dư 3,9 triệu tấn, tăng so với mức 3,4 triệu tấn được ghi nhận trước đó nhờ sản lượng tại Ấn Độ và Thái Lan. Sự gia tăng tích cực này được kỳ vọng sẽ giúp nguồn cung trên thị trường nới lỏng hơn trong thời gian tới.
Thị trường đậu tương phục hồi
Khép lại phiên giao dịch đầu tuần, dòng tiền đầu tư đến thị trường nông sản tăng mạnh hơn 4%, mức hơn 2.000 tỷ đồng, chiếm 33% tổng giá trị giao dịch. Nhiều mặt hàng tăng giá, trong đó, thị trường đậu tương phục hồi.
Giá đậu tương hợp đồng kỳ hạn tháng 5 tăng nhẹ. Mặc dù chịu một số áp lực bán khi mở cửa, tuy nhiên, phe mua đã nhanh chóng được đẩy mạnh ngay sau đó và duy trì thế áp đảo đến cuối phiên. Lo ngại về tình hình nguồn cung tại Brazil và triển vọng gieo trồng thấp hơn tại Mỹ là yếu tố chính nâng đỡ thị trường.
Theo hãng tư vấn nông nghiệp AgRural, tiến độ thu hoạch đậu tương niên vụ 2023/24 của Brazil tính đến ngày 21/3 đã đạt 69% diện tích dự kiến, tăng 7 điểm phần trăm so với tuần trước nhưng thấp hơn mức 70% cùng kì năm ngoái. Con số mà AgRural đưa ra phù hợp với số liệu của Pátria AgroNegócios. Công ty tư vấn này cho biết 69,33% diện tích đậu tương niên vụ 23/24 đã được thu hoạch, thấp hơn so với mức 70,42% cùng kỳ năm ngoái và mức 71,73% trung bình lịch sử. Điều này cho thấy hoạt động thu hoạch đậu tương tại Brazil đang chậm lại do cây trồng chưa kip chín và thời tiết xấu và có thể khiến nguồn cung từ nước này tung ra thị trường chậm hơn so với trước, tác động “bullish” đến giá.
Hôm qua (25/3), hãng tin Reuters đã tổng hợp dự đoán của các tổ chức lớn về báo cáo Triển vọng gieo trồng Mỹ năm 2024 của USDA, dự kiến công bố vào thứ Năm (28/3). Theo đó, trung bình dự đoán của các nhà phân tích cho rằng diện tích trồng đậu tương năm 2024 của Mỹ có thể sẽ chỉ đạt 86,53 triệu mẫu, thấp hơn so với mức 87,5 đưa đưa ra trước đó tại diễn đàn USDA Ag Forum. Điều này có thể khiến nguồn cung tại Mỹ thấp hơn so với kỳ vọng trong niên vụ tới, góp phần hỗ trợ giá.
Tương tự đậu tương, cả hai mặt hàng thành phẩm là dầu đậu và khô đậu đều đồng loạt tăng giá vào hôm qua. Giá dầu đậu tương đã ghi nhận mức nhảy vọt tới gần 3%, là mặt hàng tăng mạnh nhất nhóm nông sản nhờ diễn biến dầu cọ hỗ trợ. Theo công ty khảo sát hàng hóa Amspec Agri, Malaysia đã xuất khẩu 1.046.049 tấn sản phẩm dầu cọ trong 25 ngày đầu tháng 3, tăng 21,2% so với mức 863.108 cùng kỳ tháng trước. Trong khi đó, xuất khẩu dầu cọ thấp hơn từ Indonesia trong hai tháng đầu năm nay lại đang dấy lên những lo ngại về nguồn cung dầu thực vật, thúc đẩy lực mua đối với dầu đậu.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong ngày 25/3, giá khô đậu tương Nam Mỹ nhập khẩu về cảng Việt Nam giảm nhẹ. Theo đó, giá chào bán khô đậu tương Nam Mỹ tại cảng Cái Lân ở mức 12.150 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao tháng 4, giá khô đậu tương dao động quanh mức 11.700 - 11.900 đồng/kg. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn khoảng 100 đồng so với cảng Cái Lân.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)