Tin tức
Thị trường nông sản có thể sẽ đi ngang trước khi có các thông tin mới
Kết thúc tuần giao dịch 09/11 – 15/11, ngô và toàn bộ nhóm sản phẩm đậu tương tiếp tục có tuần tăng thứ hai liên tiếp, trái chiều với mức giảm của giá lúa mỳ.
Tác động chủ yếu đến giá đậu tương trong tuần vừa rồi là số liệu tồn kho trong báo cáo Cung – cầu Nông sản Thế giới (WASDE) tháng 11 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA). Cụ thể, tồn kho đậu tương Mỹ niên vụ 2020/21 được USDA dự báo ở mức 5,2 triệu tấn, giảm mạnh so với mức 7,9 triệu tấn trong báo cáo tháng 10 và mức thấp nhất kể từ niên vụ 2013/14 đến nay. Thời tiết không thuận lợi và ảnh hưởng của các cơn bão lớn làm cho năng suất mùa vụ năm nay bị ảnh hưởng nghiêm trọng, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đễn mức giảm tồn kho trên. Tuy nhiên, đà tăng bị cản lại vào cuối tuần do thời tiết thuận lợi tại các quốc gia Nam Mỹ giúp cho việc gieo trồng đậu tương tại đây được diễn ra nhanh chóng, cộng thêm việc mua hàng của Trung Quốc chậm lại.
Trung Quốc trong tuần vừa rồi vẫn chờ đợi các thông tin chính thức về cuộc bầu cử của Mỹ năm 2020, và trong một diễn biến mới nhất vào cuối tuần qua, tổng thống Trump đã đăng một tweet nói rằng “Ông Biden đã thằng vì cuộc bầu cử đã bị thao túng”. Dù vẫn kiên quyết trong việc nộp đơn kiện lên tòa án, nhưng động thái này đã mở đường cho việc chuyển giao quyền lực tới đây. Và khi đã chắc chắn rằng Đảng Dân chủ sẽ nắm quyền lực trong 4 năm tới, Trung Quốc có thể sẽ sớm thực hiện việc mua hàng để thể hiện thiện chí trước khi ngồi lại vào bàn đàm phán.
Với tình hình dịch bệnh đang bùng phát rất mạnh tại Mỹ, số ca nhiễm mới đều đã vượt 250,000 ca mỗi ngày trong 2 ngày cuối tuần vừa rồi, khả năng cao là sẽ sớm có các lệnh phong tỏa được đặt ra khi ông Joe Biden chính thức vào Nhà Trắng. Điều này có thể khiến các hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn và hỗ trợ giá đậu tương, nhất là trong bối cảnh cả Nam Mỹ và Trung Quốc hiện tại đều rất cần nguồn nguyên liệu này từ Mỹ. MXV News dự doán rằng, giá đậu tương có thể dao động với khoảng 1150 – 1180 trong tuần này.
Dầu đậu tương và khô đậu tương vẫn tiếp tục đi theo giá của đậu tương trong tuần này. Và giá cũng sẽ khó có thể yếu đi khi nguồn cung trên thế giới đang eo hẹp và các cuộc biểu tình của công nhân cảng tại Argentina chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đối với ngô, thời tiết bất lợi tại các vùng trồng ngô ở Nam Mỹ và dự báo tồn kho ngô Mỹ 2020/21 bị giảm mạnh trong báo cáo WASDE 11 vẫn là yếu tố hỗ trợ chính cho giá ngô trong thời điểm hiện tại. Còn đối với lúa mỳ, mặt hàng duy nhất giảm thuộc nhóm nông sản trong tuần vừa rồi, nguyên nhân chủ yếu vẫn là mức hạn ngạch xuất khẩu của Nga nửa cuối niên vụ 20/21 không có chênh lệch nào đáng kể so với mức xuất khẩu trung bình giai đoạn này hàng năm, khiến nguồn cung không còn là vấn đề đáng lo ngại như trước.
Mặc dù giá lúa mỳ giảm có tác động cản trở đến đà tăng của giá ngô, nhưng lo ngại về việc dịch bệnh có thể bùng phát mạnh bất cứ lúc nào trong mùa đông này khi chưa có vaccine trên diện rộng vẫn khiến các quốc gia phải cảnh giác về an ninh lương thực. Do đó, giá lúa mỳ sẽ khó giảm sâu hơn nữa, và giúp giá ngô có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, thời tiết tại Nga đã có mưa trở lại ở các vùng gieo trồng, dù lượng mưa không lớn nhưng đủ để giúp giảm bớt lo ngại về thời tiết khô trong suốt thời gian vừa rồi, sẽ tạo áp lực khiến giá lúa mỳ chưa thể tăng mạnh trong tuần này.
MXV News dự đoán giá ngô sẽ dao động với khoảng giá 410 – 420 còn với lúa mỳ là 585 – 605.
Tin MXV