sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Thị trường nông sản diễn biến trái chiều, giá lúa mì quay đầu giảm mạnh

12/07/2022

Đóng cửa ngày giao dịch hôm qua 11/07, diễn biến phân hoá khiến sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu. Chỉ số MXV- Index giảm không đáng kể, xuống mức 2.622 điểm, kết thúc chuỗi tăng 2 phiên liên tiếp trước đó. Tuy nhiên, mức tăng trong hôm qua chỉ đến từ nhóm Năng lượng, trong khi lực bán hoàn toàn áp đảo trên 3 nhóm còn lại là Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp và Kim loại. GTGD toàn Sở tăng 6%, đạt gần 4.000 tỷ đồng.

Đồng USD phá đỉnh cao nhất 20 năm, thị trường kim loại chịu áp lực

Sắc đỏ áp đảo trên bảng giá kim loại khi đồng bạc xanh tiếp tục tăng vọt trong phiên. Giá bạc sau 3 phiên tăng nhẹ đã giảm trở lại với mức đóng cửa 19,13 USD/ounce sau khi giảm 0,54%. Bạch kim là mặt hàng suy yếu mạnh nhất trong nhóm kim loại quý với mức giảm 2,5% xuống còn 860,7 USD/ounce.  

Đồng euro trượt xuống mức thấp nhất trong 20 năm và tiến gần đến mức tỷ suất ngang bằng với đồng Dollar Mỹ vào hôm qua do lo ngại cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ đẩy khu vực này vào suy thoái. Theo đó, đường ống duy nhất chở khí đốt của Nga đến Đức, Nord Stream 1, đã bắt đầu được bảo trì hàng năm vào thứ Hai, với các dòng chảy dự kiến ​​sẽ ngừng trong 10 ngày, làm dấy lên lo ngại về giá nhiên liệu tiếp tục tăng cao và bóng đen lạm phát bao trùm lên khu vực đồng tiền chung.  

Trong khi đó, đồng tiền của Mỹ được thúc đẩy bởi kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất nhanh hơn các đồng nghiệp của mình. Sự trượt giá của đồng Euro đã củng cố cho sức mạnh của đồng bạc xanh, đẩy chỉ số Dollar index tiếp tục phá đỉnh và lên mức cao nhất trong vòng 20 năm. Nhu cầu trú ẩn an toàn của nhóm kim loại quý thất thế trước sức mạnh của đồng USD, kéo giá bạc và bạch kim suy yếu trong phiên hôm qua. 

Đối với nhóm kim loại cơ bản, trước áp lực từ lo ngại suy thoái kinh tế và tình hình dịch bệnh tiềm ẩn nhiều rủi ro đang quay trở lại Trung Quốc, giá đồng COMEX và quặng sắt tiếp đà lao dốc quanh mức 2,6% xuống lần lượt các mức giá 3,43 USD/pound và 110,02 USD/tấn. Đồng Peso của Chile, nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới đã giảm mạnh 15% so với tháng trước khi lạm phát hàng năm đạt mức 12,5% vào tháng 6, mức cao nhất trong vòng 3 thập kỷ. Đồng tiền nội tệ suy yếu sẽ thúc đẩy dòng chảy xuất khẩu và điều này sẽ gây áp lực lên giá đồng, vốn đang đặt trong bối cảnh tiêu cực về nhu cầu tiêu thụ suy yếu.  

Trong khi đó, quặng sắt tiếp tục đối mặt với loạt áp lực từ việc các nhà máy thép Trung Quốc thu hẹp sản lượng khi chịu lỗ do tồn kho cao và đơn đặt hàng thép chậm chạp, đồng thời chịu tổn thương bởi dư địa của cuộc đàn áp đầu cơ thị trường bất động sản cùng các chính sách hạn chế phát thải carbon. Tất cả các yếu tố cộng hưởng này đã khiến giá quặng sắt lao dốc trong thời gian gần đây. 

Lúa mì quay đầu giảm

Trên thị trường nông sản, giá ngô tiếp tục tăng gần 1% so với mức tham chiếu. Từ khi mở cửa, ngô đã tăng vọt và trở thành mặt hàng dẫn dắt xu hướng của toàn nhóm nông sản. Tuy nhiên, lực bán dần mạnh lên đã làm bốc hơi gần như toàn bộ mức tăng từ phiên sáng và khiến cho giá ngô đóng cửa chỉ tăng nhẹ 0,88%.

Trong tuần này, dự báo thời tiết cho thấy, nhiệt độ tăng cao tiếp tục lan rộng trong hầu hết các vùng ở khu vực Midwest, đặc biệt tại các bang trung tâm – nơi tập trung sản lượng ngô lớn. Nếu như nắng nóng không có dấu hiệu suy giảm thì chất lượng cây trồng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, từ đó gây ra nguy cơ làm giảm năng suất mùa vụ ngô Mỹ. Đây là yếu tố giúp giá ngô tăng mạnh ngay khi vừa mở cửa. Tuy nhiên, do tháng 7 là mùa khô nóng ở Mỹ và hiện tượng thời tiết tuần này cũng không phải là điều bất thường nên những lo ngại trên chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Điều này cũng lý giải cho diễn biến quay đầu suy yếu của giá ngô ngay sau khi tăng vọt từ đầu phiên.

Tuy nhiên, theo Báo cáo Giao hàng (Export Inspections) được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành tối qua, giao hàng ngô của Mỹ trong tuần từ 01/07 đến 07/07 đạt mức 933.725 tấn, thấp hơn so với mức 1.002.342 tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, luỹ kế bán hàng từ đầu niên vụ cũng đang chậm hơn so với niên vụ trước. Điều này cho thấy nhu cầu đối với ngô Mỹ tạm thời sụt giảm và kìm hãm đà tăng của giá.

Ở chiều ngược lại, sau 2 phiên tăng liên tiếp vào cuối tuần trước, lúa mì hợp đồng tháng 9 đóng cửa đã quay đầu giảm mạnh tới gần 4% bất chấp lực mua áp đảo ở đầu phiên giao dịch.

Cụ thể, theo Hãng tư vấn nông nghiệp SovEcon, xuất khẩu lúa mì trong tháng 7 của Nga đạt 2,3 triệu tấn, cao hơn so với mức 1,1 triệu tấn trong tháng 6. Bên cạnh đó, công ty tư vấn nông nghiệp IKAR cho biết, giá FOB đối với lúa mì chứa 12,5% protein và lúa mì từ Biển Đen của Nga trong tuần trước hiện đang ở mức 358 USD/tấn, thấp hơn so với mức 375 USD/tấn của tuần trước đó. Nguyên nhân là do nông dân đã bắt đầu thu hoạch, thuế xuất khẩu giảm và đồng Rúp yếu hơn. Những thông tin trên đã tạo áp lực cạnh tranh đối với giá lúa mì CBOT trong phiên hôm qua. 

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá heo hơi nối dài đà tăng mạnh, với mức tăng 1.000 – 4.000 đồng/kg. Theo đó, giá thu mua heo hơi 3 miền đang ở mức 54.000 đến chạm mốc 70.000 đồng/kg. Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao vẫn đang khiến doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gặp rất nhiều khó khăn.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)