sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Thị trường nông sản, năng lượng hồi phục tích cực sau nghỉ Lễ

06/07/2023

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến hết sức sôi động trong phiên tối qua, sau khi Sở Chicago và Sở ICE US giao dịch trở lại sau nghỉ lễ. Chốt ngày, chỉ số MXV-Index tiếp tục tăng 0,76% lên 2.193 điểm. Lực mua chủ yếu đến từ nhóm nông sản và năng lượng với nhiều mặt hàng ghi nhận các mức tăng ấn tượng.

 

Giá lúa mì tăng vọt

Lúa mì là điểm sáng nổi bật nhất trên thị trường nông sản trong phiên tối qua khi bật tăng mạnh mẽ, trong bối cảnh tình hình mùa vụ tại Mỹ có xu hướng xấu đi do hạn hán. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 9 khép lại phiên giao dịch 05/7 với mức tăng lên tới 5,06%, đồng thời chấm dứt chuỗi 7 phiên suy yếu liên tiếp.

Trong báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) tuần này, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết chỉ có 48% diện tích lúa mì xuân của Mỹ đạt chất lượng tốt/tuyệt vời trong tuần kết thúc ngày 02/7, giảm 2% so với một tuần trước đó, đồng thời cũng thấp hơn mức 52% kỳ vọng của thị trường. Hơn nữa, tình trạng khô hạn tại đồng bằng phía bắc của Mỹ cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng vụ lúa mì xuân năm nay của nước này. Đối với lúa mì đông, hoạt động thu hoạch đang bị trì hoãn, khi chỉ có 37% diện tích dự kiến được thu hoạch tính tới ngày 02/7, thấp hơn mức 40% dự đoán của giới phân tích.

 

Trong khi đó, giá ngô cũng tăng vọt vào đầu phiên do những lo ngại về hạn hán tại một số khu vực trồng trọt trọng điểm của Mỹ, tuy nhiên giá nhanh chóng quay đầu suy yếu và xoá đi hoàn toàn mức tăng ban đầu sau một loạt các thông tin gây sức ép.

Cũng theo Báo cáo Tiến độ Mùa vụ, tỉ lệ ngô đạt chất lượng tốt/tuyệt vời trong tuần kết thúc ngày 02/7 của Mỹ là 51%, tăng 1% so với một tuần trước đó, đồng thời cũng bằng với dự đoán trung bình của thị trường. Tuy con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 64% cùng kỳ năm ngoái, nhưng nó phản ánh tình trạng cây trồng của Mỹ thực sự đã được cải thiện nhờ những cơn mưa thời gian gần đây. 

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp Mexico dự báo nước này sẽ sản xuất 28,5 triệu tấn ngô trong năm 2023, tăng 2 triệu tấn so với năm ngoái. Nhờ chiến dịch của chính phủ nhằm tăng cường năng lực sản xuất nội địa, sản lượng ngô vàng năm nay của Mexico có thể lên tới 3,6 triệu tấn. Quốc gia Mỹ Latinh này hiện đang nỗ lực để giảm sự phụ thuộc vào lượng ngô vàng nhập khẩu từ Mỹ, vốn đạt trung bình 17 triệu tấn mỗi năm. Do đó, việc sản lượng ngô của Mexico được cải thiện sẽ giúp nước này sớm đạt được kế hoạch, từ đó gây áp lực lên giá ngô.

Giá nông sản Mỹ tăng mạnh sẽ gây sức ép đáng kể lên ngành chăn nuôi Việt Nam do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao. Ghi nhận trong sáng nay, trên thị trường nội địa, giá heo hơi tăng từ 1.000 – 2.000 đồng/kg, đưa mức giá tại các tỉnh thành khảo sát trên toàn quốc lên mức 59.000 – 67.000 đồng/kg. Như vậy, so với hồi đầu năm nay, giá heo hơi nội địa đã tăng mạnh từ 7.000 – 14.000 đồng/kg.

Giá dầu thô WTI tăng gần 3%

Dầu thô Mỹ đón nhận lực mua tích cực khi các nhà đầu tư phản ứng với các thông tin từ việc cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga sau kỳ nghỉ Lễ Tết độc lập. Điều này đã giúp dầu WTI thu hẹp khoảng cách chênh lệch đối với dầu Brent. 

Kết thúc phiên giao dịch ngày 05/7, giá dầu WTI tăng mạnh 2,87% lên mức 71,79 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 2 tuần qua, trong khi giá dầu Brent tăng nhẹ 0,52% lên mức 76,65 USD/thùng. 

 

Tại một cuộc hội thảo giữa cáo CEO ngành năng lượng và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) kéo dài 2 ngày bắt đầu từ hôm qua, ngày 05/07, Bộ trưởng Năng lượng Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman nhấn mạnh sự hợp tác dầu mỏ giữa Nga-Saudi vẫn đang phát triển mạnh mẽ như một phần của liên minh OPEC+, và liên minh này sẽ làm "bất cứ điều gì cần thiết" để hỗ trợ thị trường. 

Lo ngại nguồn cung thu hẹp trong nửa cuối năm nay đã hỗ trợ sức mua trên thị trường dầu, đặc biệt là dầu thô WTI khi các nhà giao dịch Mỹ quay lại thị trường sau ngày nghỉ Lễ 04/7.  

Giá dầu thô ESPO Blend của Nga vận chuyển đến Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng khi Moscow cam kết cắt giảm xuất khẩu, làm gia tăng rủi ro thâm hụt nguồn cung dầu. Dầu thô ngọt nhẹ của Nga được vận chuyển tại cảng Kozmino ở Thái Bình Dương cho các hợp đồng kỳ hạn tháng 8 tới Trung Quốc đang được giao dịch với mức chiết khấu 4 USD/thùng so với dầu thô tiêu chuẩn quốc tế Brent. 

Đây là mức chênh lệch giá nhỏ nhất kể từ đầu tháng 12 năm ngoái khi các quốc gia Nhóm Bảy (G7) áp đặt giá trần đối với dầu thô của Nga. Điều này có thể khiến cho nguồn cung từ các nước khác như tại Mỹ, hay Biển Bắc cạnh tranh hơn, góp phần hỗ trợ giá dầu WTI hay Brent. 

Các thương nhân cho biết, ngày 4/7 đánh dấu mùa du lịch cao điểm của Mỹ và các báo cáo hàng tồn kho trong tuần này có thể đóng một vai trò lớn trong việc đẩy giá dầu lên cao hơn hoặc thấp hơn. 

Theo báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) rạng sáng nay, tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ giảm khoảng 4,4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 30/06, là tuần giảm thứ 3 liên tiếp, nhiều hơn mức dự đoán giảm 1 triệu thùng từ hãng tin Reuters, trong khi dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất tăng lần lượt là 1,6 triệu và 0,6 triệu thùng. Dự trữ dầu thô giảm phản ánh kỳ vọng về nhu cầu nhiên liệu gia tăng trong mùa di chuyển cao điểm và hỗ trợ cho giá dầu. 

Mặc dù vậy, Ngân hàng Morgan Stanley đã cắt giảm triển vọng giá dầu Brent trong quý III năm nay xuống 75 USD từ mức 77,50 USD/thùng và hạ dự báo giá dầu trong quý IV xuống 70 USD từ 75 USD trong ước tính trước đó. Thông tin này tạo sức ép lên giá dầu Brent khiến đà tăng gặp cản trở so với dầu WTI.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)