sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Triển vọng cung – cầu thay đổi, giá cà phê sẽ diễn biến ra sao trong những tháng đầu năm 2023

29/12/2022

Trong 1 tháng trở lại đây, giá cà phê trên cả 2 Sở ICE đều ghi nhận sự đảo chiều sau những thay đổi về triển vọng cung – cầu. Trong năm 2023 tới, với những diễn biến phức tạp về tình hình kinh tế - chính trị trên toàn cầu và tác động từ những thay đổi trong cung – cầu, giá cà phê sẽ nối tiếp đà khởi sắc hiện tại hay trở lại đà giảm trước đó?

Giá đảo chiều sau những thay đổi về nguồn cung tại các nước cung ứng chính

Sau đà giảm mạnh từ đầu tháng 10, giá 2 mặt hàng cà phê đồng loạt khởi sắc trong 1 tháng trở lại đây.

Với Robusta, giá tăng liên tục trong vòng hơn 1 tháng kể từ khi chạm mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm vào hồi giữa tháng 11 vừa qua. Nguồn cung thay đổi kết hợp với biến động tỷ giá khiến quốc gia xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới hạn chế việc đẩy nguồn cung ra thị trường. Theo đó, sản lượng cà phê trong vụ thu hoạch hiện tại của Việt Nam được các chuyên gia dự đoán sẽ giảm 10-15% so mùa vụ trước. Nguyên nhân cho sự suy yếu này đến từ những cơn mưa kéo dài trong thời gian thu hoạch chính, khiến tiến độ bị trì hoãn và hoạt động phơi sấy không diễn ra đúng kế hoạch.

Thêm vào đó, tỷ giá USD/VND bất ngờ giảm mạnh từ cuối tháng 11 theo đà giảm của Dollar Index, khiến nhu cầu đẩy hàng ra thị trường của nông dân và các nhà xuất khẩu Việt Nam giảm mạnh do thu về ít nội tệ hơn so với thời điểm trước đó.

Về phía Arabica, mặt hàng này cũng có sự điều chỉnh so với giai đoạn giảm mạnh vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, đà tăng của Arabica còn nhiều biến động do những tác động trái chiều từ yếu tố cung – cầu.

Theo đó, giá Arabica chủ yếu được thúc đẩy từ việc triển vọng về nguồn cung trong năm 2023 tại Brazil, quốc gia xuất khẩu Arabica lớn nhất thế giới đã bớt tích cực hơn so với giai đoạn đầu mùa vụ. Bắt đầu với dự đoán sản lượng rơi vào mức 68,8 triệu bao của ngân hàng Rabobank và giảm dần về mức 50-56 triệu bao của hãng tư vấn Hedgepoint do tác động từ những cơn mưa đá vào cuối tháng 09 tại Minas Gerais.

Tuy vậy, việc Cục Dự trữ Liên Bang (FED) khẳng định vẫn tiếp tục đà tăng lãi suất trong thời gian tới, khiến lo ngại về suy thoái kinh tế giá tăng, thúc đẩy xu hướng chuyển dịch từ tiêu dùng Arabica sang Robusta do giá thành rẻ hơn. Điều này đã kéo nhu cầu đối với mặt hàng trên suy yếu, khiến xu hướng chung của giá là tăng nhưng vẫn còn nhiều biến động.

Yếu tố cung – cầu tiếp tục chuyển dịch theo hướng hỗ trợ giá cà phê

Mùa vụ cà phê hiện tại của Brazil đang trong giai đoạn sinh trưởng và phải đến tháng 07/2023 mới chính thức bước vào thời kỳ thu hoạch. Do vậy những dự đoán về nguồn cung trong năm tới của Brazil vẫn còn nhiều bất cập, sản lượng và chất lượng thực tế còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết trong thời gian tới.

Tuy vậy, 2023 là năm mất mùa trong chu kỳ 2 năm được mùa một lần của cây cà phê tại Brazil, cùng với những tác động từ sự kiện thời tiết tiêu cực như sương giá trong năm 2021 và mưa đá hồi tháng 09 năm nay, sản lượng cà phê tại Brazil khó có thể tích cực như những gì giới phân tích nhận định ban đầu.

Trái với những dự đoán về nguồn cung suy giảm trong năm tới, thị trường có cái nhìn tích cực hơn về nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu trong năm 2023, bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng suy thoái kinh tế có thể khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho loại hàng hóa không thiếu yếu như cà phê nhưng không đồng nghĩa với việc họ sẽ loại bỏ hoàn toàn mặt hàng này ra khỏi giỏ hàng tiêu dùng. Thay vào đó, người tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch từ việc sử dụng cà phê có giá thành cao như Arabica sang loại cà phê có giá thành phải chăng hơn như Robusta. Điều này vừa giúp họ có thể tiếp tục sử dụng cà phê vừa giảm bớt gánh nặng chi tiêu. 

Trong báo cáo mới nhất về cà phê, Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) vẫn giữ nguyên dự đoán tiêu thụ toàn cầu ở mức 170,3 triệu bao, tăng 3,3 triệu bao so với niên vụ 2020/21. Đồng thời tổ chức này cũng kỳ vọng cung – cầu cà phê trên toàn cầu sẽ thâm hụt 3,1 triệu bao.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero Covid cũng đưa đến những triển vọng tích cực hơn về nhu cầu tiêu thụ của quốc gia tỷ dân, phần nào bù đắp sự suy yếu do lo ngại suy thoái tại những thị trường tiêu thụ hàng đầu như EU và Mỹ.

Như vậy, sự chuyển dịch của yếu tố cung – cầu đang dần bổ trợ cho xu hướng giá khởi sắc của cà phê.

Đà tăng được nối tiếp trong những tháng đầu năm 2023 khi nguồn cung tiếp tục kém khả quan

Sau năm 2022 với thương mại đạt mức kỷ lục khi lượng xuất khẩu đạt khoảng 1,7 triệu bao với tổng kim ngạch hiện tại gần 4 tỷ USD, lượng tồn kho cà phê của Việt Nam được nhận định đang ở mức thấp. Do vậy, các chuyên gia dự đoán 2023 sẽ là năm xuất khẩu khó khăn của Việt Nam. Một mặt do sản lượng cà phê thu hoạch trong vụ hiện tại sẽ bù vào các kho dự trữ. Mặt khác, sản lượng suy yếu cũng làm giảm lượng xuất khẩu của Việt Nam.

Hơn nữa, trong nửa đầu năm 2023, Việt Nam tiếp tục là quốc gia độc chiếm thị trường Robusta khi các quốc gia cung ứng chính khác như Brazil và Indonesia chưa bước vào vụ thu hoạch. Việc nguồn cung giảm và nhu cầu đẩy hàng chậm của nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục là nhân tố kéo giá Robusta tăng trong thời gian tới.

Dưới những tác động trái chiều giữa yếu tố cung – cầu với thiên hướng lo ngại nguồn cung suy yếu, giá Arabica khả năng cao sẽ nối tiếp xu hướng giá “trung tính – tăng” trong khoảng thời gian đầu năm 2023. Cụ thể, việc nguồn cung toàn cầu có thể ở mức thấp do hiệu ứng năm mất mùa tại Brazil và việc mưa nhiều làm giảm sản lượng tại Colombia, kết hợp với những lo ngại nhu cầu suy yếu do người tiêu dùng cắt giảm và chuyển hướng tiêu dùng cũng sẽ gây ra nhiều diễn biến giằng co đối với giá mặt hàng này.

Như vậy, với những chuyển đổi của yếu cung – cầu, giá 2 mặt hàng cà phê khả năng cao sẽ nối tiếp xu hướng giá khởi sắc, ít nhất là trong 03 tháng đầu năm 2023. 

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)