Tin tức
Triển vọng nhu cầu tiêu thụ đậu tương trong xuất khẩu và ép dầu ở Mỹ suy yếu sẽ tạo áp lực ngắn hạn tới giá
Mở cửa phiên giao dịch ngày 18/01, lực mua tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường đậu tương. Xu hướng tăng duy trì liên tiếp từ 4 phiên trước đó và giá đã vượt lên hẳn vùng đỉnh trước đó được thiết lập vào cuối tháng 12. Tương tự như năm ngoái, diễn biến này xuất phát từ những lo ngại đối với mùa vụ ở Nam Mỹ đang phải trải qua khô hạn trong giai đoạn phát triển quan trọng, đặc biệt là khi số liệu từ báo cáo WASDE tháng 1 của USDA vẫn chưa phản ảnh hết được những thiệt hại nghiêm trọng như dự đoán của phần lớn các tổ chức lớn.
Mặc dù chịu sức ép lớn ngay khi thị trường mở cửa trở lại sau đợt nghỉ lễ vừa rồi do dự báo thời tiết ở Argentina cho thấy một lượng mưa đáng kể xuất hiện vào cuối tuần này nhưng giá đậu tương vẫn quay đầu trở lại và ghi nhận mức tăng tới hơn 1%. Điều này cho thấy rằng thị trường vẫn đang thiên về bên mua, ít nhất là cho tới khi việc độ ẩm cải thiện được xác nhận nên nếu giá đậu tương điều chỉnh thì khả năng sẽ diễn ra vào cuối tuần này.
Bên cạnh nguồn cung, nhu cầu tiêu thụ cũng là một trong những yếu tố đáng chú ý trong bối cảnh kinh tế hiện tại. Trung Quốc là nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, chiếm hơn 60% thương mại toàn cầu. Nhập khẩu đậu tương chủ yếu để ép dầu làm nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do đó, nhập khẩu trong tương lai chủ yếu sẽ bị ảnh hưởng bởi triển vọng nhu cầu ngành chăn nuôi. Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc sẽ có tác động sâu sắc đến toàn bộ chuỗi cung ứng và định hình lại dòng chảy thương mại toàn cầu. Chỉ còn vài tháng nữa sẽ tới giai đoạn thu hoạch và xuất khẩu cao điểm của Brazil nhưng khối lượng xuất khẩu của Mỹ trong vài tuần vừa qua vẫn ở mức thấp so với cùng kì năm ngoái. Không những thế, Báo cáo Ép dầu của NOPA cho thấy, khối lượng ép dầu đậu tương trong tháng 12/2022 của Mỹ giảm mạnh cũng cho thấy triển vọng nhu cầu suy yếu.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)