sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

VTV1: Nâng cao giá trị gạo Việt xuất khẩu

28/09/2022

Trên thị trường nội địa, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh theo đà tăng của giá nông sản thế giới. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang được xuất khẩu với mức 433 USD/tấn, cũng tăng khoảng 10% so với mức giá ghi nhận tại thời điểm đầu năm nay. Giá gạo nhận hỗ trợ trong bối cảnh các nhà xuất khẩu tăng cường thu mua từ nông dân. Tuy nhiên, nguồn cung lúa gạo trong nước đang cạn kiệt vì vụ thu hoạch vụ Hè Thu đã kết thúc và phải đợi ít nhất hai tháng nước trước khi vụ thu hoạch mới bắt đầu.

Thống kê mới nhất từ Tổng Cục Hải quan Việt Nam cho thấy, tính từ đầu năm 2022 đến hết ngày 15/09, xuất khẩu gạo của nước ta đã đạt 5,02 triệu tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,44 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường tiêu thụ, gạo Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các quốc gia châu Á và châu Phi. Trong các quốc gia châu Á, thì xuất khẩu sang Philippines nhiều nhất, tiếp theo là Trung Quốc, một số nước Trung Đông và châu u cũng có số lượng xuất khẩu gạo tăng dần qua các năm. Theo đó, trong 8 tháng đầu năm nay, trong tổng lượng gạo Việt Nam đã xuất khẩu gần 4,8 triệu tấn, thì Philippines là 2,4 triệu tấn, chiếm khoảng 50% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Theo kế hoạch năm 2022, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt khoảng 6,3 đến 6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000 đến 200.000 tấn so với năm 2021. Dự kiến, 4 tháng còn lại xuất khẩu khoảng 1,5 đến 1,7 triệu tấn. Nếu không có các yếu tố bất lợi mới, khả năng xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 sẽ đạt và vượt kế hoạch.

Mới đây, Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo tấm và áp mức thuế 20% xuất khẩu đối với các loại gạo khác, trong bối cảnh Chính phủ quốc gia này tăng cường dự trữ cho nguồn cung nội địa nhằm đảm bảo nhu cầu trong nước. Mặc dù Ấn Độ chủ yếu xuất khẩu gạo khô cơm, trong khi Việt Nam xuất khẩu nhiều gạo dẻo, gạo thơm có sự khác biệt về phân khúc và chất lượng. Tuy nhiên, theo MXV, chính sách này vẫn sẽ giúp hoạt động xuất khẩu lúa gạo tại Việt Nam được hưởng lợi, khi mà nguồn cung từ quốc gia xuất khẩu lúa gạo lớn nhất trên thế giới bị thu hẹp lại, sẽ mở ra cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tăng cường năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu lúa gạo. Đây cũng sẽ là tin vui nông dân trong nước khi giá gạo tấm và phụ phẩm của ngành lúa gạo Việt Nam nhận được đông lực tăng lên trong thời gian tới.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)