Tin tức
Xuất khẩu của Mỹ được đẩy mạnh do nguồn cung ở Nam Mỹ thắt chặt sẽ là yếu tố hỗ trợ giá ngô
Mở cửa phiên giao dịch ngày 07/04, giá ngô chỉ tăng nhẹ so với mức tham chiếu. Diễn biến giằng co nhìn chung vẫn đang chiếm ưu thế và tiếp nối từ phiên hôm qua khi triển vọng cung cầu đang tác động trái chiều nhau. 2 báo cáo Cung – cầu tuần này có thể sẽ không quá ảnh hưởng đến xu hướng giá nhưng sẽ cho thấy mức độ thắt chặt của nguồn cung ở Nam Mỹ, khi mà Ukraine vẫn đang không thể xuất khẩu và Mỹ vẫn chỉ vừa bước vào giai đoạn gieo trồng.
Vào 19h tối nay, CONAB sẽ công bố báo cáo Cung – cầu Brazil tháng 4. Trong đó, sản lượng ngô sẽ là số liệu được quan tâm với dự đoán nguồn cung sẽ nới lỏng hơn nhờ lượng mưa tích cực đến với vụ thứ 2. Tuy nhiên, tác động “bearish” từ thông tin này đến giá có thể sẽ không quá mạnh, ít nhất là trong ngắn hạn do nguồn cung toàn cầu hiện tại vẫn đang thắt chặt hơn. Theo báo cáo của USDA chi nhánh Trung Quốc, nhập khẩu ngô của nước này trong niên vụ 21/22 sẽ tăng 4 triệu tấn, lên mức 24 triệu tấn. Trung Quốc sẽ dự trữ nhiều hơn để hạn chế ảnh hưởng của việc giá quốc tế tăng mạnh và khả năng nguồn cung thiếu hụt trong niên vụ 22/23. Ukraine là nhà cung cấp ngô lớn thứ hai cho Trung Quốc năm 2021, chiếm 30% tổng nhập khẩu ngô của nước này. Nguồn tin từ thị trường cho thấy Trung Quốc đã đặt 4.5 triệu tấn ngô Ukraine trước khi chiến tranh diễn ra. Với khối lượng ngô vẫn chưa được vận chuyển thì Mỹ được kì vọng sẽ là nguồn cung khả thi nhất có thể thay thế Ukraine trong giai đoạn này do ngô Nam Mỹ đang bị thiệt hại về sản xuất, ngô vụ 2 của Brazil vẫn chưa thu hoạch.
Trong báo cáo Export Sales tối nay, bán hàng ngô của Mỹ niên vụ 21/22 được dự đoán sẽ nằm trong khoảng 475,000 – 1 triệu tấn, so với mức 757,000 tấn trong cùng kì niên vụ trước. Nếu như Trung Quốc đẩy mạnh mua hàng như kì vọng thì số liệu thực tế có thể sẽ phản ánh triển vọng bán hàng tích cực hơn trong nửa cuối niên vụ hiện tại.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh