Tin tức
Lúa mỳ lại một lần nữa được hỗ trợ ở vùng giá 495
Lúa mỳ đóng cửa giảm điểm 13 cents, tương đương mức giảm 2.5% trong tuần trước. Tuy nhiên, đà giảm mạnh này đã bị chặn lại ở mức 495, là mức hỗ trợ quan trọng trên biểu đồ kĩ thuật tháng 7 của lúa mỳ. Vùng giá hỗ trợ này đã 3 lần đẩy được giá tăng lên trong vòng 3 tháng qua, nên việc giá bật lên thêm 1 lần nữa cũng không phải tín hiệu gây bất ngờ cho thị trường. Đây sẽ là vùng giá rất nhạy cảm, có thể quyết định xu hướng tăng – giảm của lúa mỳ trong vòng vài tuần tới. Nếu tiếp tục tăng lên trên 510, nghĩa là vùng giá 495 vẫn là vùng chặn dưới chưa bị phá vỡ, lúa mỳ có thể sẽ giao dịch với khoảng 500 – 525 từ giờ đến khi kết thúc hợp đồng tháng 7. Nhưng nếu giảm dưới 495, thị trường sẽ phá đáy và hoàn toàn có thể giảm thêm 15 – 20 cents sau đó chỉ trong khoảng thời gian ngắn.
Ngoài các thông tin về mùa vụ Mỹ, sự quan tâm của thị trường đang bị phân tán ra các nước khác như châu Âu, biển Đen và cả Úc. Trong báo cáo WASDE tháng 6 vừa qua, việc USDA tăng mạnh các dự báo sản lượng của Ấn Độ và Úc, mạnh hơn mức giảm của sản lượng EU, là nguyên nhân khiến giá bị giảm ngay sau báo cáo và liên tục giảm sau đó. Úc là quốc gia có chất lượng lúa mỳ thuộc hàng top trên thế giới, nên thông tin sản lượng của nước này hồi phục lại sau 3 năm hạn hán liên tiếp và thông tin rất quan trọng và có tác động lớn đến giá lúa mỳ thế giới nói chung và giá trên sàn CBOT nói riêng trong trung – dài hạn. Tuy vậy, bây giờ vẫn còn quá sớm để có thể dựa vào các dự báo về thời tiết mưa nhiều hơn tại Úc để kỳ vọng sản lượng có thể thực sự hồi phục trở lại. Nếu có thêm 1 năm nữa sản lượng lúa mỳ Úc gây thất vọng, giá lúa mỳ thế giới có thể sẽ tăng trở lại vùng 600 trong dài hạn. Nhưng nếu sản lượng lúa mỳ Úc thực sự tăng mạnh so với các năm trước, giá lúa mỳ thế giới sẽ chỉ ở quanh vùng 500 – 550.
Tin MXV